Thơm ngon hương trúc Bảy Núi



Từ lâu, cây chúc ( họ với chanh ) ở vùng Thất Sơn An Giang được mọi người biết đến như loại cây đặc sản, bởi có hương thơm nồng nàn và  mùi thơm giữ rất lâu. Tiếng Khmer gọi là Kôt–sôt, một loài cây đặc hữu của các huyện miền núi.Thân cây cũng giống như cây chanh nhưng lá to hơn, trái có lớp vỏ xù xì, nước giống như nước cốt chanh tươi nhưng có vị the và chua hơn nhiều, dùng pha chế với nước mắm, nước cá… rất thơm ngon. Lá trúc thì có vị the như lá chanh nhưng nồng và gắt hơn, đem xắt nhuyễn rắc lên thịt gà luộc hoặc hấp và bò nướng sẽ tạo nên hương vị đặc trưng.


Về sóc Tà Hu, ấp Tô Thuận, xã Núi Tô (Tri Tôn), chúng tôi lân la qua nhiều nhà hỏi thăm mãi mới tìm được một số nhà còn bảo tồn được loại cây này. Bởi lẽ những năm gần đây, phong trào chơi kiểng cổ phát triển mạnh, nhiều đại gia đã về các phum, sóc có đông đồng bào dân tộc săn lùng cây trúc cổ thụ có tuổi thọ từ 10 năm trở lên để mua đem về làm kiểng. Từ đó, số lượng cây trúc cổ đã mất dần, chỉ còn lại những cây nhỏ. Ghé nhà ông Chau Runl, nhìn thấy cây trúc đang trổ trái xù xì, chúng tôi rất mừng. Bứt một lá vò nhẹ đưa vào mũi ngửi, hương trúc thơm lừng ngây ngất một mùi rất đặc trưng.

Ở sóc Tà Hu, chắc có lẽ chỉ có nhà ông Chau Runl là còn cây trúc độ khoảng 10 năm tuổi. Ông cho biết, mấy năm trước, nhiều đại gia sành chơi kiểng đến hỏi mua cây trúc với giá 5 triệu đồng mà ông không bán. Với lý do giữ lại để dùng làm thuốc và cho bà con trong sóc nấu nướng các món ăn trong các dịp lễ, Tết cổ truyền dân tộc. “Năm tôi 13 tuổi, ở xóm này nhiều bà con trồng vài cây trúc trước sân để lấy trái hoặc lá nấu ăn. Lúc đó, nhiều cây trúc có tuổi thọ cả trăm năm tuổi, đặc biệt là cây trúc ở chùa Tà Pạ, gốc to bằng cái hủ đựng đường, trổ trái sum suê, trái nào trái nấy to bằng cái tách uống trà. Hồi đó, cũng ít người dùng lá trúc để hấp gà, cá lóc, lươn… mà chỉ biết lấy trái ngâm rượu chữa bệnh đau bụng, sốt. Về sau, không biết nguyên nhân vì sao cây trúc cổ thụ đã bị mai một dần…”- ông Chau Runl nói.

Trước nhà ông Chau Runl trồng 2 cây trúc đều cho trái quanh năm. Những lúc cần ăn lá và trái trúc, bà con trong xóm đến hỏi mua, nhưng ông Chau Runl cho không vì tình làng nghĩa xóm. Vừa qua, có vài người ở ngoài Châu Đốc đến hỏi mua toàn bộ lá trúc mà ông không chịu bán vì sợ chết cây. Ông nói, trái trúc mùa này có giá khoảng 5.000 đồng/trái, còn bán ký khoảng 70.000 đồng/kg mà không đủ trái để bán. Tuy nhiên, không nên bán lá trụi cây, vì hết lá là cây mất sức chết.

Hai cây trúc trước nhà ông trồng được gần 10 năm có độ cao khoảng 5m, vào mùa mưa cây cho trái rất sai. Vài năm trở lại đây đồng bào Khmer đã biết dùng lá trúc hấp gà, cá lóc, um lươn… thậm chí nấu canh, giả cầy cũng cho lá trúc vào bởi mùi thơm và kích thích vị giác.

Buổi sáng, nếu đến thị trấn Tri Tôn không ghé lại dùng cháo bò trái trúc thì thiệt uổng! Bởi món cháo bò trái trúc được xem là món “danh bất hư truyền” của đồng bào Khmer 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Nếu cháo bò mà thiếu trái trúc cũng như thiếu một trong những gia vị cốt tử của nồi cháo. “Nước cốt trái trúc có mùi thơm nồng hơn so với hương chanh, hương cam. Thịt, lòng bò có mùi tanh, chỉ cần vắt nước cốt trái trúc sẽ khử mùi, tạo hương thơm ngào ngạt kích thích vị giác của thực khách. Hiện nay, chúng tôi đều trồng trước nhà 1-2 cây để dành lấy trái bán cháo bò cho mọi người thưởng thức…”- chị Neang Mum bán cháo bò ở thị trấn Tri Tôn bộc bạch.


Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nhiều hộ ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã ươm cây trúc bán giống cho dân trồng. Đến khu vực đồi Latina, ở sân trước nhà ông Trần Văn Hải, ngụ xã An Hảo (Tịnh Biên) đang ươm hàng ngàn cây trúc giống. Ông nói: “Năm rồi, tôi ươm 9.000 cây giống bán cho nông dân trồng. Hiện tại, không những vùng Bảy Núi mà bà con ở đồng bằng cũng rất thích trồng loại cây này. Cây trúc cũng dễ ươm giống. Chọn mua trái chín cây đem về lấy hạt phơi trong 3 nắng buổi sáng. Công đoạn tiếp theo lên liếp cho thật xốp, phủ 1 lớp mạt cưa lên trên, rồi rải hạt trúc xuống liếp, tưới nước đều trong 2 buổi sáng sớm và chiều tối.

Khoảng 1 tháng, cây con bắt đầu lên cao. Sau đó, lấy mạt cưa, sơ dừa, đất phân… trộn đều ém vào bọc ni lon, rồi bứng từng cây nhét vào chậu. Chăm sóc chừng 4 tháng, cây cao khoảng 3 tấc là đem bán giống với giá 20.000-40.000 đồng/cây. Cây trúc nếu chăm sóc đủ sức trong vòng 2 năm sẽ cho trái… Nhờ vậy mà năm rồi tôi thu nhập hơn 90 triệu đồng. Dự tính năm nay, sa mưa xuống tôi mở rộng diện tích ươm hơn 10.000 cây giống để cung cấp ra thị trường”.